Duyên Hải nhiều chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách
Ngày 10/5/2003 Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Duyên Hải được thành lập theo Quyết định số 653/QĐ-HĐQT của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH, với nhiệm vụ sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm. 

Ngân hàng CSXH huyện Duyên Hải thực hiện giải ngân vốn

    Với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm cao, 20 năm qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện Duyên Hải đã đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; thông qua việc cho vay trực tiếp có ủy thác với  tổ chức Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ ủy thác trên địa bàn huyện là 334 tỷ 302 triệu đồng, với hơn 12.110 hộ còn dư nợ; trong đó, nợ quá hạn 1.192 hộ, chiếm tỷ lệ 0,36% tổng số hộ vay.

    Thực hiện chương trình ủy thác giữa Hội Liên hiệp phụ nữ với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, trong 20 năm qua đã đầu tư cho hơn 10.000 lượt hôi viên phụ nữ trên địa bàn vay 135 tỷ đồng. Từ nguồn vốn nầy, chị em đã xây dựng nhiều mô hình điển hình làm ăn có hiệu quả như: mô hình của chị Hoàng trồng rau trong nhà lưới ở ấp Sa Văng của xã Đôn Châu; mô hình vườn ươn cây giống của chị Mai Lin, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc; mô hình trồng hoa của chị Trang; mô hình nuôi vọp, nuôi bò của chị Diễm ở La Ghi, xã Long Vĩnh đã góp phần cùng với toàn huyện thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn của huyện”

    Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Duyên Hải cho biết: "Hội LHPN đang quản lý là 130 tỷ, với 4.430 lượt hội viên phụ nữ được vay, thông qua 93 tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn ở 60 ấp, khóm trên địa bàn của huyện. Từ nguồn vốn này, trong thời gian qua đã giúp cho 782 lượt hộ hội viên phụ nữ được thoát nghèo bền vững, và những mô hình kinh tế ở cơ sở làm ăn hiệu quả, giúp chị em thoát nghèo bền vững được chúng tôi ghi nhận”.

Các mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả

    Để tạo điều kiện, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đến nay trên địa bàn huyện đã có 7 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, với phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Thực hiện giao ban với UBND xã, thị trấn, hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Toàn huyện có 255 tổ tiết kiệm và vay vốn; tập hợp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.

    Sau 20 năm thực hiện, từ hai chương trình cho vay khi mới thành lập, là chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách; tổng doanh số cho vay đạt 902 tỷ 131 triệu đồng; thu nợ đạt 548 tỷ 741 triệu đồng, tăng hơn 333 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 28,08%/năm.

    Anh Thạch Ri, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, phấn khởi cho biết: “Hồi đó  em có làm 2.000 m2, sau đó Ngân hàng chính sách hỗ trợ nguồn vốn, từ từ em mở rộng lên 10 công là 10.000 m2, 01 tháng cây con của em ra hơn 1 triệu cây, công lao động hơn 10 người, hiện tại gia đình thu nhập cũng khá ổn định”.

    Xác định tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Qua 20 năm thành lập và phát triển, tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 55.634 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giúp cho 12.081 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1.937 lao động, tạo điều kiện cho 118 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Chương trình cũng đã giúp cho 1.372 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Xây dựng và cải tạo hơn 8.697 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 2.604 nhà ở cho hộ nghèo được khang trang...

    Vốn tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần tạo thêm điều kiện cho người dân địa phương phát triển sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh, cải thiện đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; từng bước thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, thông qua hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống, sinh hoạt.

    Ông Nguyễn Minh Dương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Duyên Hải cho biết định hướng hoạt động của đơn vị: Trong thời gian tới, phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Duyên Hải tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển Ngân hàng chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ hiệu quả cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

    20 năm là một chặng đường dài mà Ngân hàng chính sách xã hội huyện Duyên Hải đã đồng hành, tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, và hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2022./.

 

                                                                                    Bài, ảnh: Hồng Linh

 

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 100
  • Trong tuần: 643
  • Tất cả: 4686592
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.