Đôn Xuân nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc Khmer
Đôn Xuân, là một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 57,95% dân số toàn xã. Những năm qua, cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và chính quyền các cấp, đồng bào Khmer trên địa bàn xã tích cực xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, chất lượng cuộc sống được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc

    Sau khi chia tách huyện, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống của bà con Khmer trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bà con sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, chậm đổi mới, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sả xuất còn hạn chế nên thu nhập không cao. Trước thực trạng trên, UBND xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đổi mới cách làm, áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả vào sản xuất, đặc biệt là từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hộ khá giàu tăng lên theo hàng năm. Đồng thời, UBND xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con tổ chức các lễ hội trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, không lãng phí, vận động bà con làm cột cờ, hàng rào xung quanh nhà, cải tạo vườn tạp, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp trong xóm ấp và cộng đồng dân cư. Khi đời sống kinh tế được cải thiện, bà con Khmer tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, các công trình, phần việc xây dựng quê hương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, xây cầu, nâng cấp sửa chữa đường giao thông nông thôn, phát hoang bụi rậm, vệ sinh cảnh quan môi trường, trồng tuyến đường hoa.

    Ông Kim Phiếp, ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân phấn khởi nói: Tôi cùng bà con Khmer nơi đây rất phấn khởi, vì đường xá giờ đây đều được bê tông hoá thuận tiện đi lại, nhất là đối với học sinh nhỏ đi học; nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch đẹp; đời sống kinh tế được nâng lên. Hiện nay, bà con Khmer ai cũng chăm lo chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu trong cuộc sống.

Đường giao thông nông thôn được đầu tư phát triển

    Những chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước quan tâm và ý thức vươn lên của đồng bào Khmer địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, điện, đường, trường trạm và nước sạch đã được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố, vững chắc, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, 100% hộ Khmer sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, trẻ em người Khmer được đến trường”.

    Anh Thạch Sa Ne, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân cho biết: Bà con Khmer trong xã nói chung, giờ đây không chỉ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế; bà con còn tham gia đóng góp vì lợi ích của cộng đồng, nhất là hiếm đất làm đường, xây cầu, làm trụ điện, cột đèn, trồng hoa cặp lộ… nhờ vậy bộ mặt xóm ấp không ngừng đổi mới, đời sống bà con ngày càng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Hiện nay, ở các ấp như: Bà Giam A, Bà Giam B, Bà Nhì, Cây Da, Cây Cồng, Lộ Sỏi A, Lộ Sỏi B, Quan Âm và ấp Xóm Tộ đều có đường xá, trường học, trạm y tế, điện; công tác quy hoạch, hệ thống thuỷ lợi, an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, cơ sở vật chất văn hoá được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, góp phần giúp việc đi lại, giao thương hàng hoá, sinh hoạt công cộng, khám chữa bệnh, học tập của con em vùng đồng bào được thuận tiện rất nhiều.

Nhà cửa khang trang

    Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer cũng ngày thay đổi nhờ phương tiện nghe, nhìn được đầy đủ, từ đó bà con mở mang kiến thức và tiếp cận được nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hiệu quả, để nâng cao nguồn thu nhập. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 50 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 82 hộ/3.437 hộ dân, chiếm tỷ lệ 2,40%; trong đó, hộ đồng bào Khmer nghèo còn 61 hộ/1.940 hộ dân Khmer, chiếm 3,14%. Theo đó, xã tập trung vận động bà con chung sức, chung lòng tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới; đến nay xã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, do đó cảnh quan môi trường ở vùng nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc luôn được cải thiện và từng ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.

    Ông Trầm Quới Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Xuân cho biết: Những năm qua, UBND xã luôn triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc, như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sinh kế; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân Khmer, từ đó người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật  nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, số hộ dân Khmer có thu nhập khá trở lên ngày càng cao.

    Để khuyến khích đồng bào Khmer mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, trong những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể tích cực triển khai các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, vốn chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh; vận động đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thăm canh tăng vụ, loại bỏ phương thức canh tác, sản xuất lạc hậu cũng như loại bỏ một số cây trồng năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp; đồng thời, mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu những giống cây con mới, các mô hình kinh tế hiệu quả đến đông đảo người Khmer. Bên cạnh đó, các chính sách trợ giá, trợ cước về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, dự án dạy nghề, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về điện, y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, dự án đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo đều phát huy hiệu quả được đồng bào nhiệt tình ủng hộ. Cuộc sống kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển, đời sống văn hoá, tinh thần ngày càng tiến bộ đã tạo thêm nguồn lực mới cho sự phát triển, là nền tảng vững chắc để xã Đôn Xuân vững bước chặn đường tiếp theo với nhiều triển vọng tốt đẹp, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc với thành thị, đưa đời sống của bà con ngày càng nâng cao./                                                          

                                                                                                                                                            Bài, ảnh: Ni Rượng

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 545
  • Tất cả: 4686600
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.