Duyên Hải qua 05 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững
Qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 06/4/2016 của Huyện ủy Duyên Hải về “thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020” trên địa bàn huyện, công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp quan tâm thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng lên, tỷ lệ lao động có tay nghề ngày càng cao; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm được kéo giảm.

         Huyện Duyên Hải có 06 xã, 01 thị trấn, với 60 ấp – khóm; trong đó có 03 xã và 01 khóm thuộc Chương trình 135 xã đặc biệt khó khăn và 04 xã đảo, huyện có diện tích tự nhiên 30.047 ha. Cơ cấu kinh tế của huyện là: ngư – nông – lâm nghiệp – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ. Toàn huyện có 20.989 hộ, 78.444 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Khmer chiếm 42,58% dân số. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn ở mức cao. Trong năm 2016, huyện có 5.079 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm 25,01%, trong đó có 2.861 hộ Khmer, chiếm 56,33% tổng số hộ nghèo; 2.168 hộ cận nghèo, chiếm 10,68%, có 1.088 hộ Khmer, chiếm 50,18% trong tổng số hộ cận nghèo. Ngoài ra con có hơn 4.000 hộ có mức sống trung bình, nhiều nguy cơ rơi xuống hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chăm sóc ớt chỉ thiên

          Huyện ủy Duyên Hải xác định, công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cần được quan tâm thực hiện, gắn với phát triển kinh tế – văn hóa xã hội. Từ đó, huyện đã tạo môi trường và điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội để tự lực vươn lên thoát nghèo. Thông qua việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng nhiều mô hình kinh tế tập thể, khuyến khích người dân tăng gia sản xuất tăng thu nhập. Thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giảm nghèo bền vững.

          Giảm nghèo là mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện đúng quy trình, dân chủ, minh bạch. Phát huy nguồn nội lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được kịp thời hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống  vươn lên thoát nghèo bền vững. Các ban, ngành từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thay đổi và chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ trách nhiệm, người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo là chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. 

Hỗ trợ bò cho hộ Khmer nghèo

         Đối với nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo chí thú làm ăn, có quyết tâm vươn lên để thoát nghèo, nhưng không có tay nghề, không có tư liệu sản xuất thì cho họ học nghề, tạo việc làm mới, vận động tham gia xuất khẩu lao động,…Những hộ thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì ưu tiên trợ giúp vốn sản xuất hợp lý, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất. Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện lao động, sản xuất, nhưng hiện tại còn thiếu một trong những chỉ số thiếu hụt chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều, thì quan tâm trợ giúp phần thiếu hụt để sớm thoát nghèo. Đối với nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu chí ý tự lực vươn lên, thì tập trung tuyên truyền, vận động, tạo động lực giúp họ chí thú làm ăn, tự lực vươn lên thoát nghèo.

         Thực hiện Quyết định 1956/2009-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 05 năm qua đã phối hợp tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có 773 học viên, kinh phí thực hiện trên 1,63 tỷ đồng. Phối hợp đưa 63 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giới thiệu 7.261 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Cơ sở hạ tầng tại các địa phương không ngừng được đầu tư xây dựng, kinh tế phát triển gắn với thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả, đã giúp cho 1.302 hộ thoát nghèo. Để góp phần thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, hàng năm các cấp ủy phát động phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bỏ lại ở phía sau”. Phong trào đã tạo sức lan tỏa, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân cùng tham gia; nhiều mô hình giảm nghèo nổi bật được nhân rộng và biểu dương.

         Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3.608 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo là 17,94%, bình quân hàng năm giảm 4,48%; trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm được 1.857 hộ, tỷ lệ giảm nghèo là 23,51%, bình quân mỗi năm giảm 5,87%. Hiện nay, toàn huyện có 1.471 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,07% so với tổng số hộ. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer 1.003 hộ, chiếm tỷ lệ 11,86% so số hộ đồng bào Khmer; hộ cận nghèo còn 2.008 hộ, chiếm tỷ lệ 9,65%, trong đó hộ cận nghèo dân tộc là 1.252 hộ, chiếm 14,74%.

Đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp

         Tuy nhiên, cái khó hiện nay của huyện là vẫn còn một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo chưa chí thú làm ăn, ý thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo còn thấp, còn trông chờ vào chính sách của Nhà nước và hỗ trợ của cộng đồng. Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo đối với một số nghề chưa mang tính bền vững. Nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo rất thấp, nên hiệu quả nguồn vốn mang lại không cao. Các điều kiện sinh kế của người dân chưa thuận tiện, thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là hàng hóa nông sản thực phẩm. Việc giám sát sử dụng vốn sau giải ngân có lúc chưa chặt chẽ, nên nguồn vốn phát huy hiệu quả chưa cao.

         Thời gian tới, huyện Duyên Hải sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất. Chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm kiếm, hợp tác các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm mở rộng sản xuất. Vận động hình thành các nhóm, tổ hợp tác sản xuất để cùng nhau hỗ trợ và liên kết phát triển, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tăng cường các chính sách cho vay có điều kiện, có thời hạn để khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Ban Chỉ đạo làm công tác giảm nghèo bền vững các xã, thị trấn. Tăng cường công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm và dạy nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1659/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ./.

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Bài, ảnh:  MINH ĐÔNG

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 1773
  • Trong tuần: 34 000
  • Tất cả: 4658842
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.