Duyên Hải: Qua 05 năm thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc
Huyện Duyên Hải sau chia tách, xuất phát điểm kinh tế thấp, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 42,58% dân số. Thời gian qua, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer trong huyện từng bước được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

    Hàng năm, Phòng Dân tộc huyện Duyên Hải chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp ngành, địa phương thực hiện các đề án, dự án, chương trình chính sách dân tộc. Đặc biệt là Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác Dân tộc. Phối hợp ngành chuyên môn trong triển khai thực hiện, phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, Đảng viên, người có uy tín, nhất là đảng viên người dân tộc trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân.

    Với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer, 05 năm qua, huyện tranh thủ nguồn lực theo Quyết định 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn”, với kinh phí hơn 23 tỷ đồng.

 

Các mô hình làm ăn có hiệu quả của đồng bào dân tộc Khmer

    Bên cạnh đó, huyện tận dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen thực hiện 08 công trình; trong đó 04 công trình giao thông, 04 công trình cơ sở hạ tầng đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: đường đal, cầu giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, điện, trường học, y tế... đã tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

    Thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 – 2015; huyện đã hỗ trợ đất ở cho hơn 440 hộ, với số tiền 14 tỷ 845 triệu đồng, hỗ trợ vốn vay chuộc đất cho 39 hộ với hơn 940 triệu đồng, hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho 485 hộ với số tiền 3,88 tỷ đồng. Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, không ngừng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Thu hoạch ớt chỉ thiên

    Nhiều mô hình giảm nghèo, cách làm hay được ứng dụng vào thực tiễn như: mô hình chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, mô hình trồng màu trong nhà lưới,... phối hợp ngành chuyên môn hỗ trợ vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác do đồng bào dân tộc Khmer làm chủ thể sản xuất đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả.

    Ngũ Lạc là xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, dân tộc Khmer chiếm hơn 63% dân số toàn xã. Thời gian qua, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương về công tác dân tộc, góp phần vào việc đạt 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

   Song song với thực hiện có hiệu quả các chính sách khác như: Quyết định 102/2009/QĐ-Ttg, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 2085/QĐ/TTg...kịp thời rà soát số hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt,...tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc Khmer an tâm sản xuất, phát triển sinh kế, tạo việc làm nâng cao thu nhập. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3.608 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo là 17,94%, bình quân hàng năm giảm 4,48%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 1.857 hộ, tỷ lệ giảm nghèo là 23,57%, bình quân mỗi năm giảm 5,87%.

    Ngoài ra, hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư hoàn thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc. Đến nay đã có 34/54 ấp được công nhận ấp văn hóa nông thôn mới; 4/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Long Vĩnh cơ bản đạt 20 tiêu chí xã nông thôn mới nâng ca; Đôn Xuân đạt 16/19 tiêu chí, xã Đôn Châu đạt 14/19  tiêu chí xã nông thôn mới; thị trấn Long Thành đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 51 triệu đồng/người/năm.

    Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, huyện tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình chính sách đặc thù; các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh và Nghị quyết của huyện Đảng bộ. Tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; nhất là Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc. Phối hợp các ngành liên quan, các xã, thị trấn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; tạo điều kiện để người có uy tín vận động, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo tại địa phương./.       

 

                                                                                                                                 Bài, ảnh: Hồng Linh

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 782
  • Trong tuần: 33 009
  • Tất cả: 4657851
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.